Dự báo thị trường bất động sản ấm dần lên trong năm 2024
“Thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm nhưng tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển rất lớn. Thị trường bất động sản có thể ấm dần lên vào năm 2024″ – TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng nhận định.
Thị trường bất động sản hiện nay đối diện với rất nhiều thách thức. Nền kinh tế Việt Nam đang trải qua áp lực và ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường bất động sản.
Nhận định tại hội thảo “Bất động sản phía Nam đón đầu cơ hội phát triển hạ tầng” tổ chức ngày 20.9, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam – cho rằng: “Thứ nhất là sự sụt giảm rất nhiều về nguồn cung. Thứ hai là sự mất cân đối về cung cầu. Thời gian qua, thị trường bất động sản tăng giá liên tục, các sản phẩm tầm trung và bình dân gần như không còn. Trong khi nhu cầu phần lớn lại tập trung ở phân khúc này.
Thứ 4, vướng mắc pháp lý khiến 70% các dự án không thể triển khai được trong khoảng 3 năm gần đây. Điều này khiến vòng đời triển khai của một dự án kéo dài, đẩy chi phí đầu tư tăng dẫn đến giá bán tăng cao.
Cuối cùng, niềm tin của nhà đầu tư. Thị trường Việt Nam phát triển rất nhanh trong giai đoạn 2015 – 2019, số lượng nhà đầu tư nhiều. Đặc biệt, nhà đầu tư Việt Nam rất nhạy cảm. Với những yếu tố tác động trên thị trường thì tâm lý nhà đầu tư thay đổi rất nhiều”.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Tài chính Ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được đảm bảo bằng bất động sản. Trong khi doanh nghiệp bất động sản lại đang là khách hàng của ngân hàng. Nhưng doanh nghiệp và khách hàng đều ngỡ ngàng vì tài sản bất động sản ảm đạm, tài sản mất giá. Ngân hàng cho vay 70% trên giá trị tài sản nhưng khi giá trị tài sản giảm đến 50% thì giá trị thực của thế chấp còn thấp hơn dư nợ nên ngân hàng sợ cho vay.
“Thị trường bất động sản vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, vấn đề khơi thông nguồn vốn có lẽ phải đợi sang năm 2024. Bất động sản vẫn trầm lắng, ách tắc vốn. Dù vậy, thị trường bất động sản vẫn còn cơ hội, các nhà kinh doanh bất động sản cũng nhạy bén với thị trường. Tôi dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên vào năm 2024” – ông Hiếu khẳng định.
Hạ tầng là yếu tố tác động rất nhiều đến thị trường bất động sản. Kế hoạch đầu tư công của Chính phủ đối với khu vực phía Nam rất nhiều từ sân bay, vành đai, các đường cao tốc và còn nhiều dự án cao tốc nữa ở khu vực miền Tây… Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, Chính phủ đang đẩy mạnh hạ tầng để thúc đẩy kinh tế, trong đó thị trường bất động sẽ được hưởng lợi.
“Đơn cử ở khu vực phía Nam với các tuyến đường vành đai, cao tốc sẽ tạo ra xu hướng xây dựng các đô thị ly tâm phát triển. Bởi hiện nay chi phí cao, quỹ đất khu vực trung tâm không còn nhiều. Đây là cơ hội của Bình Dương, Long An, hay các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi của TPHCM.
Các hệ thống tuyến đường vành đai không chỉ ảnh hưởng đến TPHCM mà cả khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Long An, tạo nên sự thay đổi của cả khu vực” – ông Kiệt cho hay.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, hiện nay nguồn cung phần nào đã quay trở lại. Thời gian qua, nhiều dự án đã công bố việc có giấy phép xây dựng, nhiều dự án đã giải tỏa được áp lực tài chính, khó khăn vướng mắc pháp lý được tháo gỡ…
“Bất động sản vẫn là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nên Chính phủ ưu tiên gỡ khó. Trong khi đó, mạng lưới cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư.
Thị trường bất động sản nhìn chung vẫn có nhiều biến động nhưng còn nhiều tiềm năng. Trong thời gian tới, thị trường sẽ phát triển theo hướng phát triển bền vững hơn” – ông Kiệt khẳng định.